Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
02113.879 538

Trường ĐHSP Hà Nội 2 tham dự chương trình gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc

Chiều ngày 15/8/2023, Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã tham dự chương trình "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục" do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì.

Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, điểm cầu chính tại Bộ GD&ĐT, kết nối tới hơn 400 điểm trường đại học, trường đại học trong cả nước. Tham gia sự kiện có lãnh đạo Bộ GD&ĐT; lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam; lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ GD&ĐT; lãnh đạo và đông đảo các nhà giáo, cán bộ, giảng viên, nhân viên các cơ sở giáo dục trong cả nước.

Tại điểm cầu trực tuyến Hội trường A1, Trường ĐHSP Hà Nội 2 có PGS, TS Nguyễn Quang Huy - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS, TS Phùng Gia Thế - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn trường, Bí thư Đoàn Thanh niên, Bí thư Chi bộ, Trưởng các đơn vị, các cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường ĐHSP Hà Nội 2.

Buổi gặp mặt là dịp để các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục nói lên tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình công tác. Đây cũng là dịp để Bộ trưởng lắng nghe ý kiến phục vụ công tác quản lý, điều hành, hoàn thiện chính sách; động viên, chia sẻ với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên công tác trong ngành.
 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì tại điểm cầu chính tại Bộ GD&ĐT

Trước khi chương trình diễn ra, thông qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học được gửi về Ban Tổ chức. Các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như: Tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới…

Phát biểu mở đầu chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ vui mừng khi lần đầu tiên được gặp gỡ phần đông các nhà giáo các cán bộ, giảng viên, nhân viên các cơ sở giáo dục đại học công lập, ngoài công lập. Đây là cơ hội để Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ GDĐT và các nhà giáo có thể trao đổi thẳng thắn, bày tỏ ý kiến về những vấn đề cùng quan tâm, những vấn đề nóng, vướng và khó của ngành, đặc biệt là hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học và của các nhà giáo.

“Các thầy cô có thể bày tỏ những vấn đề liên quan tới giáo dục đại học nói riêng và giáo dục, đào tạo nói chung. Vì các thầy cô vừa là nhà giáo, vừa là nhà khoa học, là phần lớn đội ngũ trí thức của đất nước và là các chuyên gia trong hầu hết các lĩnh vực”, Bộ trưởng chia sẻ, đồng thời cho biết: Những ngày qua, ngoài ý kiến, câu hỏi gửi về Ban tổ chức, cá nhân Bộ trưởng cũng nhận được hàng chục ý kiến qua email, tin nhắn mang tính chia sẻ, chất vấn, kiến nghị, nêu vấn đề.

Tại buổi gặp gỡ, cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm đã gửi tới Bộ trưởng nhiều ý kiến, kiến nghị xung quanh các quy đinh về tự chủ đại học, các chính sách về đầu tư nghiên cứu khoa học, đời sống, thu nhập, đạo đức nhà giáo, cơ sở hạ tầng giáo dục đại học.

Bộ trưởng nhìn nhận, thời gian tới có nhiều việc phải làm, mong muốn làm. Tuy nhiên, có những việc sẽ làm sớm, có những việc cần thời gian. Trong đó cần phải sớm tháo gỡ các khó khăn để mở đường cho tự chủ đại học phát triển mạnh mẽ, mà trước mắt sửa Nghị định 99 và sớm điều chỉnh Luật số 34. Ngoài ra, cần triển khai những chính sách đặc thù để phát triển khoa học cơ bản, lĩnh vực sư phạm và các lĩnh vực mũi nhọn. Mặt khác, cần thêm những chính sách để phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, phát triển đội ngũ trí thức, đặc biệt là các nhà khoa học hàng đầu.

Bế mạc chương trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn gửi thông điệp tới các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên: Chúng ta phải kiên định với con đường, mục tiêu đổi mới và định hướng chiến lược. Cần kiên trì trên phương diện thuyết phục, vận động sự cảm thông, chia sẻ từ xã hội và đồng hành của xã hội, sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Cần kiên quyết chống tiêu cực, bệnh hình thức, thành tích và chống tinh thần phản nhân văn, phản tự do trong phát triển các cơ sở giáo dục đại học; kiên quyết với mục tiêu chất lượng, phát triển con người, phát triển khoa học công nghệ. Chúng ta cũng cần kiên trinh với nghề dạy học, vinh quang của nghề nghiệp; cần vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt.

Phòng CTCT-HSSV

 



Tags:


Bài viết khác